DANH MỤC

Lối đi nào cho gạch không nung

Một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung đã bước đầu tìm được chỗ đứng trên thị trường, nhưng cũng có doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Theo giới thiệu của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chúng tôi đến Cụm công nghiệp Đắc Lộc để tìm hiểu thông tin về 2 nhà máy sản xuất vật liệu xây không nung đầu tiên ở Khánh Hòa của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Đắc Lộc (viết tắt là Công ty Đắc Lộc) và Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ xây dựng Minh Đức (viết tắt là Công ty Minh Đức). Điều khá bất ngờ là hơn 2ha đất của Công ty Minh Đức dùng để sản xuất gạch không nung nay đã chuyển sang sản xuất bê tông thương phẩm. Trong khi đó, tại Công ty Đắc Lộc, tình hình sản xuất gạch không nung cũng chỉ ở mức cầm chừng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Minh Đức đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung từ năm 2009, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Ông Hồ Minh Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Đức cho biết, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là không tìm được thị trường tiêu thụ nên gạch của công ty không bán được. Đến giữa năm 2010, nhà máy phải tạm dừng hoạt động để cắt thua lỗ. Đến năm 2015, nhà máy chấm dứt sản xuất gạch không nung, liên kết với Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức để sản xuất bê tông thương phẩm.
Hiện nay, Công ty Đắc Lộc đang sản xuất gạch Terrazzo, gạch block lát nền. Trước đây, gạch Terrazzo bán được do nhiều công trình Nhà nước triển khai lát nền vỉa hè. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, sản phẩm bán chậm lại do không còn những công trình tương tự. Nhược điểm của gạch Terrazzo là độ bền thấp, chỉ dùng được khoảng 2 năm là xuống màu. Hiện nay, gạch này chỉ được bán lẻ cho các gia đình hay các quán cà phê lát nền, sân vườn…
Ông Lê Ngọc Khánh, Trưởng phòng Quản lý cụm công nghiệp (Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại) cho biết, nguyên nhân thất bại của các đơn vị sản xuất gạch không nung đi trước là do công nghệ cũ, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của thị trường, dẫn đến không cạnh tranh được với gạch nung và gạch không nung của các đơn vị sau này.


Bước đầu tìm được chỗ đứng
Hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, có một số công trình xây dựng đã bắt đầu sử dụng vật liệu xây không nung như: Trung tâm Thương mại siêu thị Lotte Mart (đường 23-10), Nhà nghỉ T78 (đường Hùng Vương)… Ông Hoàng Huy Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Thuận Phát cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp gần 100.000 viên gạch loại 20×40 cho công trình Trung tâm Thương mại siêu thị Lotte Mart và hơn 200.000 viên cho công trình Nhà nghỉ T78, lợi thế của loại gạch này là nhẹ, bền, xây lắp nhanh.
Được biết, Công ty Thuận Phát đi vào hoạt động từ tháng 1-2016 với hệ thống dây chuyền hiện đại. Hiện nay, công ty tập trung sản xuất các loại gạch thẻ, gạch đặc, gạch block, gạch 4 lỗ… với công suất mỗi tháng khoảng 100.000 viên (riêng gạch 4 lỗ chỉ sản xuất cầm chừng vì thị trường còn khó khăn). Sản phẩm của công ty được cung cấp cho các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Công ty Cổ phần An Phong cũng mới đi vào hoạt động sản xuất gạch không nung từ tháng 5-2016 với công suất tối đa 20 triệu viên/năm. Hiện nay, công ty chủ yếu sản xuất gạch block đơn, gạch block đôi, gạch thẻ, gạch 4 lỗ. Tuy mới đi vào hoạt động nhưng công ty đã tìm được chỗ đứng trên thị trường khi cung cấp khá nhiều cho các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. “Gạch không nung có ưu điểm chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt hơn gạch nung. Bước đầu, chúng tôi không đặt vấn đề lợi nhuận mà chỉ muốn mọi người sử dụng quen loại vật liệu này, từ đó phổ biến sử dụng gạch trên thị trường. Hiện nay, chúng tôi khá hài lòng với thị trường của mình”, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An Phong cho hay.


Cần thay đổi thói quen xây dựng
So với một số công ty đi trước đón đầu, những công ty sản xuất gạch không nung hiện nay đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, các công ty vẫn đang tính toán vấn đề đầu ra và làm thế nào để thay đổi thói quen của người sử dụng.
Theo Thông tư số 09 ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15-1-2013), các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày thông tư này có hiệu lực; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ khi thông tư có hiệu lực đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.
Theo ông Hoàng Huy Vinh, chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của UBND tỉnh được thực hiện một cách triệt để thì gạch không nung mới có cơ hội phát triển. Hiện nay, gạch không nung vẫn phải cạnh tranh gay gắt với vật liệu nung thủ công. Trên thực tế, gạch không nung gặp nhiều bất lợi cả về giá lẫn thói quen sử dụng của người tiêu dùng.
Tháng 11-2015, Công ty Cổ phần Vật liệu mới Asia 96 đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại huyện Diên Khánh với công suất khoảng 15 triệu viên/năm; tổng vốn đầu tư khoảng 5,3 tỷ đồng. Ông Hồ Minh Châu – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: “Gạch nung chưa thể cấm hẳn được vì nhu cầu thị trường vẫn còn. Tuy nhiên, trong khi cơ quan quản lý nhà nước đang hạn chế dần gạch thủ công, việc đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung để có vật liệu xây dựng thay thế là phù hợp”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luyện, Giám đốc DN tư nhân Tân Hoàng Thịnh (đơn vị chuyên cung cấp than đá và vật liệu xây dựng tại thị xã Ninh Hòa), trong giai đoạn hiện nay, không phải công nghệ hay nguồn vốn mà chính sách của Nhà nước mới là điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của vật liệu xây không nung. Nghĩa là lộ trình giảm dần, chấm dứt gạch nung truyền thống phải rõ ràng thì các doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư sản xuất gạch không nung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, ở các nước phát triển, gạch không nung đã chiếm 70% tổng sản lượng sản xuất hàng năm, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 7%. “Tôi đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gạch không nung, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người dân tiếp cận, khuyến khích sử dụng gạch không nung trong xây dựng nhà ở nhằm tiết kiệm chi phí, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các công trình khách sạn, công trình biệt thự trong TP. Nha Trang phải sử dụng vật liệu xây không nung như một tiêu chí bắt buộc chứ không phải là tiêu chí khuyến khích”, ông Trung nói.

Theo báo Khánh Hòa